Bo mạch chủ hay mainboard là bộ phận vô cùng quan trọng đối với một chiếc máy tính để bàn. Bo mạch chủ có thể được xem như khung xương của máy tính khi nó chứa gần như tất cả linh kiện khác bao gồm CPU, RAM, VGA, ổ cứng, tản nhiệt CPU, …
Vậy cụ thể bo mạch chủ là gì và làm thế nào để người mới có thể chọn được mẫu mainboard tốt nhất? Tất cả sẽ được GearVN giới thiệu qua bài viết sau.
Bo mạch chủ là gì?
Bo mạch chủ (mainboard) là một bảng mạch in có vai trò liên kết những thiết bị máy tính lại với nhau thông qua các đầu cắm hoặc dây dẫn phù hợp. Một chiếc bo mạch chủ có thể giúp các linh kiện hoạt động ở mức hiệu năng tối đa.
Hiện nay bo mạch chủ được thiết kế bởi 2 thương hiệu chính là Intel và AMD. Cả 2 đều đang sở hữu cho mình rất nhiều sản phẩm với các tính năng và khả năng hỗ trợ khác nhau.
Cấu tạo của một chiếc bo mạch chủ
Nếu phần trên ta đã tìm hiểu khái quát về bo mạch chủ thì tiếp theo hãy cùng GearVN khám phá xem linh kiện này có cấu tạo như thế nào. Bo mạch chủ có thiết kế gồm 4 phần chính: Bộ khung mainboard, đế cắm CPU, chip cầu Bắc & Nam, khe cắm mở rộng.
Khung mainboard
Bộ khung mainboard vô cùng quan trọng khi nó phải đủ chắc chắn để chịu được trọng lượng các linh kiện, vừa phải có thiết kế thông minh để các thiết bị lắp đặt một cách vừa vặn mà không ảnh hưởng lẫn nhau.
Ngoài ra đây cũng là nơi thể hiện cái chất và thiết kế đặc trưng của các thương hiệu.
Đế cắm CPU
Đế cắm CPU hay còn được gọi là socket, đây chính bộ phận dùng lắp cố định bộ vi xử lý (CPU) vào bo mạch chủ. Mỗi dòng vi xử lý sẽ tương thích với mỗi loại bo mạch phù hợp khác nhau. Số socket càng lớn sẽ phù hợp với dòng chip hiện đại và ngược lại số socket càng nhỏ sẽ tương thích dễ dàng hơn với các chip cũ.
Ví dụ: Socket có số LGA 775 hoặc LGA 1156 thì dòng số điểm tiếp xúc tương ứng với CPU phù hợp.
Hiện tại thì dòng bo mạch chủ mới nhất Z690 đang là dòng mainboard duy nhất của intel có thể gắn được Socket LGA 1700 tương thích với dòng CPU Gen 12 mới nhất.
Chip cầu Bắc và chip cầu Nam
Có nghiệm vụ điều phối hoạt động của CPU và các linh kiện máy tính khác, chip cầu đóng vai trò không thể thiếu với tất cả các loại mainboard. Trong đó Chip cầu Bắc được biết đến với tên gọi MCH (Memory Controller Hub). Nhiệm vụ của chip điều khiển trực tiếp các thành phần cần có tốc độ hoạt động nhanh như CPU, RAM và card đồ họa. Ngoài ra chip cầu Bắc còn có nhiệm vụ trao đổi dữ liệu qua lại với chip cầu Nam.
Theo các chuyên gia cho biết, chip cầu Bắc là thành phần quan trọng nhất trong Mainboard. Chính vì thấy đây cũng là yếu tố quyết định mức giá và chất lượng hoạt động của bo mạch chủ.
Chip cầu Nam có tên tiếng anh là I/O controller Hud (hay còn gọi tắt là ICH). Chip đảm nhận điều khiển những phần thiết bị tốc độ chậm như ổ cứng, USB, âm thanh,… Bởi không được kết nối trực tiếp với CPU, nó buộc phải giao tiếp với chip cầu Bắc (đang được kết nối trực tiếp với CPU) để làm việc.
Khe cắm mở rộng
Khe cắm mở rộng được thiết kế để có thể kết nối mainboard với card đồ họa, RAM. Hiện tại ta có các loại khe cắm mở rộng như:
-
Khe cắm ISA (Industry Standard Architecture)
-
Khe cắm PCI (Peripheral Component Interconnect)
-
Khe cắm PCI Express.
-
Khe cắm AGP (Accelerated Graphics Port)
Tuy nhiên khe PCI đang đang rất được yêu thích bởi nhanh hơn và có hiệu suất tốt hơn rất nhiều. Hiện tại gần như các dòng VGA từ vài năm trở lại đây đều có thể cắm cùng khe PCI mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Ví dụ: VGA 1050ti và gt730 2gb ddr5 đều có thể sử dụng cùng khe cắm mở rộng.
Hướng dẫn lựa mua bo mạch chủ phù hợp với máy tính
Bo mạch chủ hiện nay có rất nhiều thế hệ, thương hiệu cũng như khả năng tương thích khác nhau. Bởi vậy mà việc lựa chọn được một chiếc bo mạch chủ thích hợp cũng không phải điều gì dễ dàng. Vậy làm sao để ta có thể chọn được mẫu mainboard phù hợp?
Lựa chọn socket phù hợp với CPU
Trong việc lựa chọn bo mạch chủ thì socket luôn là thứ quan trọng nhất. Socket trên mainboard chỉ hoạt động khi sử dụng CPU tương thích. Nếu bạn mua phải bộ main có socket không phù hợp với CPU thì rất tiếc máy tính của bạn cũng sẽ không thể hoạt động được.
Ví dụ các CPU Intel thế hệ 12 hiện nay được thiết kế với chuẩn chân cắm socket LGA 1700, cũng đồng nghĩa với việc không một chiếc main nào có thể hỗ trợ mẫu CPU này ngoài main Z690.
Lựa chọn kích thước bo mạch chủ
Nếu bạn chưa biết thì bo mạch chủ có 3 kích thước khác nhau:
-
ATX: Kích thước lớn nhất, có nhiều cổng kết nối và khe cắm.
-
Micro ATX: Kích thước nhỏ hơn 2.4 inch, ít khe cắm mở rộng hơn so với ATX.
-
Mini ITX: Kích thước nhỏ nhất, chỉ có 1 khe cắm card đồ họa và ít đầu nối.
Kích thước main càng nhỏ thì số lượng khe cắm mở rộng sẽ càng ít, đồng nghĩa với việc khả năng nâng cấp của máy tính cũng bị hạn chế.
Hiện nay, có ba loại kích thước bo mạch chủ phổ biến là ATX, Micro ATX và Mini ITX
Thông thường, các mainboard đều trang bị 4 khe RAM, tuy nhiên chỉ có Mini ITX là có 2 khe. Bởi thế mà nếu bạn cần một số lượng RAM nhiều thì đây sẽ không phải sự lựa chọn phù hợp.
Nếu không có đủ chuyên môn, bạn hoàn toàn có thể nói lên nguyện vọng về những phụ kiện cần kết nối cả hiện tại lẫn nâng cấp trong tương lai. Từ đó các tư vấn viên sẽ giúp chọn chọn mẫu main phù hợp.
Lựa chọn theo giá
Giá mainboard thường không có sự dao động nhiều giữa các thương hiệu. Bạn chỉ cần lựa chọn mẫu mainboard yêu thích với mức giá có thể chấp nhận được. Hãy mua bo mạch chủ trong tầm giá và chắc chắn rằng vẫn còn đủ tài chính để đầu tư những linh kiện khác nhé.
>>> Xem thêm: Nên chọn CPU AMD Ryzen hay Intel Core? Loại CPU nào phù hợp với bạn?
Lựa chọn theo thương hiệu
Hiện tại có rất nhiều thương hiệu sản xuất mainboard, thông thường mỗi thương hiệu đều có mức giá không quá chênh lệch và chất lượng cũng khá tương đồng nhau. Tuy nhiên bạn cũng nên lựa chọn các thương hiệu uy tín và nếu được hãy chọn main cùng hãng với các linh kiện khác để tăng khả năng tương thích.
Trên đây là những bí quyết để bạn chọn được cho mình mẫu mainboard phù hợp. Mong rằng qua bài viết trên GearVN sẽ giúp bạn xây dựng cho mình một chiếc PC thật ưng ý.
– Trần Tấn Luân –